
Trước tình hình trên, Cổng Thông tin điện tử Công an tỉnh đưa ra cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để người dân cảnh giác.
1. Lừa đảo “chuyển nhầm tiền” vào tài khoản ngân hàng
Thủ đoạn giả danh là cán bộ Ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi, ... nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại.
2. Cảnh giác thủ đoạn giả danh lực lượng Công an, Toà án, Viện kiểm sát để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Một thủ đoạn nữa là giả danh Công an, Toà án, Viện Kiểm sát gọi điện thông báo người dân có liên quan đến vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân do lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt.
Điển hình, ngày 16/02/2025, chị N.Y.T (người dân sinh sống trên địa bàn thành phố Sóc Trăng) nhận được cuộc gọi từ số thuê bao “0826.354.571” với nội dung giới thiệu như sau: “Chào chị, tôi gọi đến từ Công an tỉnh Sóc Trăng, đề nghị chị chiều ngày mai mang căn cước công dân đến trụ sở Công an tỉnh Sóc Trăng tại địa chỉ số 18, đường Hùng Vương, Phường 6, thành phố Sóc Trăng để xác minh, làm rõ một số vấn đề có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật”, khi chị N.T.Y hỏi cấp bậc, chức vụ, nơi công tác đối tượng này tự xưng là “Trung úy Phan Văn Hưng thuộc Đội Điều tra tổng hợp, Công an tỉnh Sóc Trăng”. Quá trình trao đổi với chị N.Y.T đối tượng này liên tục đe dọa đây là vụ việc nghiêm trọng, yêu cầu chị N.Y.T phải đến cơ quan Công an để làm rõ vụ việc. Nhưng chị N.Y.T trình bày hiện đang đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương, đối tượng đã hướng dẫn chị N.Y.T kết bạn qua ứng dụng “Zalo” để gửi hình ảnh mặt trước và mặt sau căn cước công dân để đối tượng xác minh, sau đó đề nghị chi N.Y.T cung cấp mã xác nhận qua tin nhắn SMS đã được gửi về số thuê bao của chị N.Y.T; quá trình hướng dẫn đối tượng liên tục thúc ép, yêu cầu phải thực hiện ngay nhằm thao túng tâm lý của người nghe.
3. Cảnh giác chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên online
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Công an thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị H. bị lừa đảo khi làm cộng tác viên chốt đơn hàng online. Chị H. cho biết, trước đây có quen một người đàn ông ở TP Hồ Chí Minh. Đầu tháng 3/2025, người đàn ông này rủ chị tham gia đầu tư qua mạng xã hội dưới hình thức chốt đơn hàng để hưởng hoa hồng. Chị H. đồng ý và đăng ký theo đường link để làm nhiệm vụ chốt đơn hàng. Chị H. đã chuyển gần 5 tỷ đồng để làm nhiệm vụ nhưng sau đó không rút được tiền ra. Lúc này chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
4. Cảnh báo thủ đoạn giả shipper lừa đảo, hack tài khoản người mua hàng
Lực lượng chức năng cũng nhận được nhiều phản ánh của người dân về việc bị các đối tượng giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là mạo danh shipper hối thúc khách chuyển khoản đơn. Ngay sau khi hoàn tất chuyển khoản, người dân sẽ bị chặn số liên lạc ngay lập tức, không thể liên lạc, mất tiền và không nhận được món hàng nào.
Tinh vi hơn, các đối tượng còn dàn dựng tình huống thông báo cho người dân đã nhắn nhầm số tài khoản để đăng ký làm Hội viên shipper (hoặc tài khoản kích hoạt gói bảo hiểm…) và nhờ người dân gọi lên tổng đài để hủy, nếu không sẽ không trở thành hội viên và mất số tiền đã chuyển hoặc bị trừ tiền mỗi tháng. Khi người dân làm theo hướng dẫn thì lại càng bị dẫn dụ chuyển khoản thêm tiền hoặc bị yêu cầu nhập thông tin tài khoản, cung cấp mã OTP để nhận lại tiền. Sau đó, các đối tượng sẽ chiếm đoạt hết tiền trong tài khoản của người dân và chặn liên lạc rồi biến mất.
5. Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức đầu tư “tiền ảo”
Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến các sàn đầu tư chứng khoán. Ban đầu, đối tượng thực hiện các cuộc gọi đến người dân tự nhận là nhân viên các công ty chứng khoán mời chào người dân tham gia các hội, nhóm về khóa học đầu tư chứng khoán để dụ dỗ tham gia đầu tư chứng khoán với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó thúc đẩy tăng vốn giao dịch. Khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách hàng đã đầu tư.
Còn rất nhiều thủ đoạn mà các đối tượng lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị người dân cảnh giác, nâng cao ý thức tự phòng, tự giữ gìn, bảo vệ tài sản, không nên tin vào các chiêu trò, các tin nhắn mang lại lợi ích, tin nhắn đe dọa,… của các đối tượng. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo người dân cần liên hệ ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn./.